Menu



Đài Tưởng Niệm

Thuyền Nhân

Việt Nam

Tiếp Theo...

* CẦU NGUYỆN VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM 2016 TẠI NAM CALI


* 40 NĂM QUỐC HẬN LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* 30 THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* BI SỬ THUYỀN NHÂN (Nguyễn Quốc Cường)


* BIỂN ĐÔNG LỤC BÌNH TRÔI


* CÁI GIÁ CỦA TỰ DO


* CÁNH BÈO BIỂN CẢ (Văn Qui)


* CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065


* CẦU SIÊU BẠT ĐỘ TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM WESTMINSTER


* CHUYỆN KỂ HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG (Nhiều Tác Giả)


* CHỨNG TÍCH ĐỂ ĐỜI: ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Vi Anh)


* CHUYẾN VƯỢT BIÊN ĐẪM MÁU (Mai Phúc)


* CHUYẾN VƯỢT BIỂN HÃI HÙNG


* CON ĐƯỜNG TÌM TỰ DO (Trần Văn Khanh)


* CÒN NHỚ HAY QUÊN (Nguyễn Tam Giang)


* DẠ TIỆC VĂN NGHỆ "LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG" THÀNH CÔNG NGOÀI DỰ KIẾN CỦA BAN TỔ CHỨC


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN (Việt Hải)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TẠI QUẬN CAM (Vi Anh)


* ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM: BIỂU TƯỢNG THIÊNG LIÊNG CỦA NIỀM KHÁT VỌNG TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN


* ĐÊM DÀI VÔ TẬN (Lê Thị Bạch Loan)


* ĐI VỀ ĐÂU (Hoàng Thị Kim Chi)


* GALANG: BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM BỊ PHÁ BỎ


* GALANG MỘT THỜI - MỘT ĐỜI (Nguyễn Mạnh Trinh)


* GIÁNG NGỌC PHỎNG VẤN NHÀ THƠ THÁI TÚ HẠP VÀ NỮ SĨ ÁI CẦM VỀ LỄ KHÁNH THÀNH ĐTNTNVN


* GIỌT NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI TÌM TỰ DO (Lê Đinh Hùng)


* HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT


*"HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG: TỰ DO, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU, ĐÁNG ĐỂ TA ĐI TÌM"


*HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM TỰ DO  


* HÀNH TRÌNH TÌM CON NƠI BIỂN ĐÔNG


* HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH VÀO THÁNG 04-2009


* HÒN ĐẢO BỊ LÃNG QUÊN (Meng Yew Choong)


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ VINH DANH ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ WESTMINSTER THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT “NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM”


* KHÁNH THÀNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI NAM CALI


* KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Việt Hải)


* LÀN SÓNG THUYỀN NHÂN MỚI


* LỄ ĐỘNG THỔ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


* LỄ KHÁNH THÀNH TRỌNG THỂ ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VIỆT NAM TẠI QUẬN CAM


* LỄ TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN TỔ CHỨC TRANG NGHIÊM TẠI NGHĨA TRANG WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* LÒNG NHÂN ÁI (Tâm Hồng)


* LỜI NGUYỆN GIỮA BIỂN ĐÔNG (Thơ Thái Tú Hạp)


* MEMORIAL TO BOAT PEOPLE WHO DIED TO BE DEDICATED SATURDAY


* MỘT CÁI GIÁ CỦA TỰ DO (Trần Văn Hương)


* MƠ ƯỚC "MỘT NGÀY TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN" ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


* NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM NĂM THỨ 5


* "NGÀY THUYỀN NHÂN VIỆT NAM" TỔ CHỨC TRỌNG THỂ TẠI WESTMINSTER


* NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT SAU CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG


* NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG CỦA THUYỀN NHÂN (Biệt Hải)


* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT ĐỀU CÓ THẬT (Ngô Dân Dụng)


* NHỮNG THÁNG NGÀY YÊU DẤU NƠI HOANG ĐẢO (Tuấn Huy)


* NỖI BẤT HẠNH ĐỜI TÔI (Thùy Yên) 


* NỖI KHỔ CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Thy Vũ Thảo Uyên)


* NƯỚC MẮT CỦA MỘT THUYỀN NHÂN (Nguyễn Mỹ Linh)


* SAIGON TIMES PHỎNG VẤN MỤC SƯ HÀ JIMMY CILLPAM 4 NĂM CÓ MẶT TRÊN TÀU AKUNA CỨU HƠN 5000 NGƯỜI VIỆT NAM VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO TRÊN BIỂN ĐÔNG


* TÀU SẮT BẾN TRE (Tú Minh)


* THẢM KỊCH BIỂN ĐÔNG (Vũ Duy Thái)


* THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA


* THỊ XÃ WESTMINSTER VINH DANH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN


* THÔNG BÁO CỦA ỦY BAN THỰC HIỆN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN VN


* THƠ LÀM KHI ĐỌC TIN THUYỀN NHÂN (Viên Linh)


* THUYỀN NHÂN: ẤN TÍCH LỊCH SỬ


* THUYỀN NHÂN VÀ BIỂN ĐỘNG


* THUYỀN NHÂN VÀ MỘT VÀI HÌNH ẢNH CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN


* THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VƯỢT BIÊN, TỬ NẠN, ĐẾN BỜ TỰ DO ĐÃ GIÚP NHÂN LOẠI NHÌN RÕ ĐƯỢC CHÂN TƯỚNG CỦA CỘNG SẢN (Lý Đại Nguyên)


* TRÔI GIẠT VỀ ĐÂU (Nguyễn Hoàng Hôn)


* TRỞ VỀ ĐẢO XƯA... (Nguyễn Công Chính)


* TỪ TẤM BIA TƯỞNG NIỆM THUYỀN NHÂN Ở GALANG NHÌN RA CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VIỆT NAM ĐÃ CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT VÀO VỊ TRÍ AN VỊ TRONG KHUÔN VIÊN WESTMINSTER MEMORIAL PARK


* TƯỞNG NIỆM QUỐC HẬN 30-4-2012

* VĂN TẾ THUYỀN BỘ NHÂN ĐÃ BỎ MÌNH TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỰ DO


* VƯỢT BIỂN (Thanh Thanh)


* VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH (Nguyễn Trần Diệu Hương)


* XIN VỀ ĐÂY CHỨNG GIÁM, AN GIẤC NGÀN THU


* XÓA DẤU VẾT TỘI ÁC (Phạm Phú Minh)


Saigon Times USA

LẠY MẸ, CON ĐI...

TUỆ TÂM HÀO

 

 

Tôi là người lính chiến VNCH, 4 năm lính, 6 năm tù, xin nhỏ lệ khóc thương cho những người bạn đồng đội còn nơi cải tạo tù đày, hay những người đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc.

Tôi là một thuyền nhân, may mắn sống sót qua cơn bão biển, xin đốt nén nhang kính dâng lên hương linh những đồng bào đã tử nạn trên biển Đông, Vịnh Thái Lan và đường bộ.

Tôi là một Phật tử, xin chắp tay nguyện cầu cho những vị thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của những con tàu tình thương Cap Anamur..., hình ảnh của những con người giàu tình nhân ái đó sẽ sống mãi trong lòng thuyền nhân.

Tôi là người Mỹ da vàng, chân thành cảm tạ các nước bạn Đồng Minh, nhất là chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã mở lòng từ bi cứu giúp đồng bào tôi qua cơn bỉ cực.

Tôi là một đứa con bất hiếu, bỏ cha bỏ mẹ mà đi... không được nhìn thấy mặt cha mẹ lúc người từ bỏ cõi đời...!!!

Tôi là một người cha của đứa con đầu lòng và sau chót, Vincent Phú Vinh Trần, ước mong đời con không phải chạy giặc như đời ông nội và bố.

Ôi!!! Những đau thương chết chóc chia lìa này cũng chỉ vì 2 chữ huyền diệu Tự Do.

Giờ đây tôi mới thấu hiểu được 2 chữ ấy thì đã muộn màng rồi!!!

Cảnh đời biến đổi không ngừng, như những vần thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ bất tử "Thăng Long Thành Hoài Cổ":

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,

Đến nay thắm thoát, mấy tinh sương,

Lối xưa, xe ngựa, hồn thu thảo,

Nền cũ lâu dài bóng tịch dương.

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương.

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,

Cảnh đấy người đây, luống đoạn trường.

Ba kỷ vật còn đây, dấu vết của những ngày vượt biển khủng khiếp. 21 năm trôi nhanh như một giấc mộng, với biết bao vật đổi sao dời, biết bao máu và nước mắt, nhưng những hình ảnh năm xưa không bao giờ phai nhạt. Kỷ vật thứ nhất là cuốn nhật ký Songkla, những ngày lênh đênh trên biển, những ngày tháng phiêu bồng, tay xách túi Care (Cooperative for American Relief Everywhere), lang thang từ trại tị nạn này đến trại tị nạn khác. Kỷ vật thứ hai là lọ ruốc (chà bông) đã ngả sang màu vàng óng "Thưa mợ, ngày con ra đi, mợ rưng rưng ngấn lệ, nhét vội lọ ruốc này vào túi xách con, mợ trao cho con một sợi dây chuyền với hình mẹ hiền Quán Âm và một mảnh giấy với lời nguyện "Nam Mô Đại từ, Đại Bi tầm thinh cứu khổ, cứu nạn linh cảm Quan Thế Âm Bồ Tát". Mợ bảo nếu con gặp nguy biến hãy niệm Phật sẽ được tai qua nạn khỏi. Thưa mợ, sợi dây chuyền đã bị hải tặc Thái cướp mất rồi, mảnh giấy ghi lời nguyện đã nát ra từng mảnh trôi vào làng đại dương bao la, nhưng những lời dạy của mợ, và lời nguyện con xin ghi khắc đời đời.

Cho tôi lần giở tấm hải đồ đã cũ rách, kỷ vật cuối cùng trong chuyến vượt biển với hàng chữ bằng bút nguyên tử của hải tặc Thái Lan, mà cho đến nay "thấm thoát mấy tinh sương", hàng chữ viết bằng Anh ngữ vẫn còn hằn sâu trên trang giấy: "You go to Songkla, 250 (degree)". Con đường xuôi nam tìm tự do, lên bắc tị nạn, sang đông định cư: Sài Gòn - Cà Mau - Sông Ông Đốc-Songkla-Panatnikhom-Lampini-Bangkok-Philippines-Cali, ôi, sao xa diệu vợi! Biết có gian khổ bằng con đường đi vào nam thuở xưa không. Năm xưa cậu mợ nhỏ lệ đau thương lìa xa đất tổ, xa lìa gia đình nội, ngoại dẫn dắt đàn con thơ xuống tàu xuôi nam tìm tự do, thì ngày nay giọt nước mắt ngà ngọc đó lại đổ ra để mong cho đàn con được tự do, hạnh phúc, mà chúng đã phải trả một giá rất đắt. 21 năm xưa con quỳ bên mợ để nghe lời dạy bảo, cha con còn đang tù đày cải tạo. 21 năm sau cậu mợ đã an giấc ngàn thu. Ôi! Cuộc đời "sinh ly tử biệt". Nay con đốt nén hương lòng, tưởng nhớ những ngày gian khổ khi xưa, để biết quý những gì có được hôm nay. Tự do đã một lần mất đi, đừng để mất đi một lần nữa. Lạy mẹ, con đi... "Sống tự do hay phơi thây trên biển cả".

"Đùng đùng... đùng đùng... đùng đùng... đùng đùng... "

Con thuyền Hậu Giang vừa nhú mũi khỏi cửa sông Ông Đốc thì một tràng súng nổ xối xả từ trong bờ bắn ra như mưa bắc. Hai cây AK47 ở hai bên mạn thuyền đáp lễ trả lại, ánh lửa lóe lên từ họng súng, mùi khét lẹt, âm thanh vang động một khúc sông trong đêm khuya thanh vắng. Tôi liếc nhanh chiếc đồng hồ dạ quang, đã 4 giờ sáng. Con thuyền chạy theo hình ziczac để tránh làn đạn, vô tình lướt trên hàng "cồn" ở rải rác ngay cửa sông. Một cảnh hỗn loạn xảy ra trong tích tắc. Lẫn trong tiếng súng nổ vang trời, tiếng con nít khóc, tiếng người la ơi ới, tôi nghe tiếng một người đàn bà chu tréo la lớn từ dưới hầm thuyền "Đầu hàng đi mấy ông ơi, không thoát đâu... "

Rồi tiếng lội nước bì bõm của đám thanh nhiên, nhưng không phải để trốn chạy, tiếng hò dô ta đẩy thuyền mỗi lúc một to. Sức mạnh của đám thanh niên, sức mạnh của những kẻ khao khát Tự Do đã chiến thắng trong đường tơ kẽ tóc... Con thuyền rung lên nhè nhẹ, nhích dần... nhích dần... nhích dần... rồi tuột khỏi hàng "cồn", lướt ào trên mặt nước. Lằn ranh giữa nước mặn của biển và nước ngọt của sông, lằn ranh của địa ngục và thiên đường hạ giới đã qua khỏi. Con thuyền Hậu Giang rít lên lướt nhanh trên sóng, cửa sông hình cánh phễu, đưa con thuyền xa dần bờ bến. Tôi nghe tiếng người chủ ghe gọi khẽ tên tôi. Giờ bàn giao nhiệm vụ đã điểm.

7 giờ sáng, con thuyền vượt khỏi Hòn Chuối, tôi đứng trên boong thuyền, đầu đội mũ lưỡi trai, tay cầm chiếc ống nhòm một mắt đưa lên nhìn vào hướng hòn đảo, hai chiếc ghe lạ hướng mũi về chúng tôi, nhưng chợt quay mũi rồi biến mất dạng. Một người bạn đồng thuyền la lên: "Thoát rồi anh em ơi!" Làn gió sớm, làn gió của Tự Do ngập tràn phổi tôi. Đám thanh niên reo hò, mừng rỡ. Rồi từ dưới hầm thuyền, một cái đầu ló lên, hai cái đầu, ba cái đầu... Cuối cùng, đám người túa lên boong thuyền chật chội, đàn ông, đàn bà, con nít, già trẻ lớn bé ca hát nhảy múa vui mừng, kẻ đọc kinh, người cầu nguyện. Một thiếu phụ, tay bồng con nhỏ, đứa bé rụi mắt lia lịa vì mới từ bóng tối đi ra, hỏi mẹ: "Má ơi, tới chỗ ba con rồi hả?" Người mẹ nở một nụ cười sung sướng đáp lời con trong nước mắt nghẹn ngào: "Thoát rồi con ơi!" Không khí trên thuyền như một ngày hội, khác hẳn với những ngày nằm bẹp trên bến ông, cọ xát với tử thần, từng giờ khắc trôi qua, từng khắc giây đói khát Tự Do... Tôi miên man với nỗi vui mừng đó, niềm hạnh phúc của họ chính là hạnh phúc của tôi, thuyền nhân thứ 80 trong cuộc đào thoát biển đông.

Ngày 2 tháng 7 năm 1980 tôi trở về con phố xưa, tìm lại căn nhà quen thuộc sau bao năm xa vắng, cha tôi, anh tôi lúc ấy đang trong tù cải tạo tù đày. Phố xá tuy quen thuộc nhưng sao thấy tiêu điều, nhìn những khuôn mặt xa lạ sao tôi thấy chán chường. Tôi ở với gia đình được hơn 7 tháng trong cảnh ấm êm. Tháng 3 năm 1981 tôi nhận được giấy công an phường thông báo ngày tôi trình diện để đi kinh tế mới với chính sách "đi sớm về sớm". Tôi đã quá quen thuộc với chính sách bịp bợm này nên một lần nữa phải đào tẩu sống cuộc đời lang bạt. Tôi vẫn nhớ cái ngày hôm đó, tôi lên chung cư Thanh Đa để gặp chủ ghe, thì giờ quá cấp bách, tôi chỉ kịp chào từ giã gia đình rồi dấn thân vào cuộc hành trình.

Con đường Sài Gòn-Cà Mau qua bao nhiêu tỉnh thành phố thị. Ôi! Quê hương Việt Nam xinh đẹp giờ như cánh hoa tan tác. Đây tỉnh lỵ Cà Mau, đây bến sông Ông Đốc, tôi nằm trên ghe tạm trú hết mấy ngày và được thưởng thức màn muỗi chích của những con muỗi khổng lồ mà người Mỹ hay gọi là "Vampire Mosquitoes". Con sông Ông Đốc lững lờ nước chảy, ghe thuyền ngược xuôi, có ai biết đâu rằng lẫn trong đám ghe thuyền đó có chúng tôi, những người đang tìm một bến mơ, sắp phải trải qua một cuộc hành trình đầy gian khổ.

Tiếng kêu lanh lảnh của con chim hải âu lạc bầy trên bầu trời cao rộng, ngay trên mũi thuyền, làm tôi quay trở về với thực tại. Chim ơi! Chim lạc bầy như thuyền lạc bến biết tìm về nơi đâu? Đã là ngày 29 tháng 3, lần đầu tiên trong đời hải hành viễn duyên trên con thuyền mộc bé nhỏ mong manh, chỉ cần một cơn bão thổi qua là cả con thuyền chìm dưới biển sâu. Tôi gặp người chủ ghe ngay chân cầu thang bước xuống hầm. Anh nói với tôi bằng giọng vui tươi: "Tất cả bà con mình ok, nước, lương thực và nhiên liệu còn đầy đủ". Tôi không nói gì, đưa mắt quan sát, giữa khoảng tranh tối tranh sáng trong hầm, người nằm la liệt trên sàn. Người chủ ghe tổ chức bến bãi, thực phẩm, nhiên liệu, tương đối chu đáo. Bên tôi là hai người tài công sông khỏe khoắn, nhanh nhẹn, tay chơi thứ thiệt của thị xã Cà Mau. Bên cạnh đó tôi còn có một hoa tiêu phụ thay tôi những khi đêm dài mệt mỏi. Trong suốt hải trình hắn nói rất nhiều, nói những điều không đâu vào đâu, tôi cũng lặng yên để cho hắn nói cho bớt cơn buồn ngủ. Sau này lúc thuyền gần cập bến hắn mới thú nhận hắn chẳng phải là hoa tiêu gì hết, chỉ là hành khách đi chui.

Thói quen của người đi biển hay đứng trên boong thuyền nhìn ngắm bóng mây, người ngoài nhìn vào cứ tưởng họ đang mộng mơ, làm thơ: "Trên trời có đám mây xanh, ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng". Nhưng không phải vậy, họ cố tìm cho được những gì là lạ trên bầu trời bao la, có thể xảy đến cho con thuyền, một đám mây báo bão chẳng hạn. Thuyền là nhà, nhà là thuyền. Bây giờ ngồi đây, bên cạnh là các bạn đồng thuyền, bên cái hải bàn và tấm hải đồ được trải rộng ra, tôi không quên kèm vào đấy một mảnh giấy trắng, và tôi vẫn đủ thì giờ để viết vắn tắt vào đấy những ngày lênh đênh trên biển, như một "Nhật Ký Hải Hành":

Ngày 29 tháng 3: Trời quang mây tạnh

Con thuyền lướt nhanh trên mặt biển êm sóng, chúng tôi ngồi nhởn nhơ nhìn sóng nước. Mặt nước trong xanh, phản chiếu bầu trời, một vài chú cá heo nhảy đùa giỡn đầu mũi thuyền, chúng tung lên, nhào xuống, làm nước bắn tung tóe lên thuyền. Tôi vẫn tiếp tục hướng ống nhòm nhìn ra xa, mong tìm được một dấu vết của các con tàu  khác.

"Có tàu, có tàu"... Một người trong đám thuyền nhân la lên, từ đằng xa, mọi người thấy một chấm đen lúc nhỏ sau to dần, tôi đưa ống nhòm lên quan sát, chiếc thương thuyền treo cờ Panama, chúng tôi liền đưa cờ hiệu cầu cứu vẫy chào họ, con tàu giảm dần tốc độ, rồi khi đến gần, họ bất chợ tăng tốc lướt đi luôn.

Trưa hôm đó, cũng vài con tàu lướt qua nhưng không bao giờ ngừng lại, mỗi người trên thuyền bắt đầu chán nản, thất vọng...

"... Our distress signals,

Rise and rise again.

But the passing ships do not stop.

How many boats have perished?

How many families lie beneath the wave?"

(From "A prayer for land")

Tối 29 tháng 3:

Mây đen phủ kín bầu trời, cơn mưa tầm tã phủ nhòa con thuyền, những cuộn sóng dâng cao, nhìn như những bức tường khổng lồ. Con thuyền nhồi lên nhồi xuống. Trong tiếng gió biển rít lên, lẫn với tiếng kêu la của người nào đó dưới hầm tàu: "Ôi trời ơi!!! Khổ quá đi mất thôi, thảy tôi xuống biển cho cá ăn đi cho rồi..."

"... Our cries are lost

In the howling wind

Without food, without water

Our children lie

 exhausted,

Until they cry, no more... ?

(From "A Prayer for land")

Ngày 30 tháng 3: Lâm nạn, hải tặc trùng dương

Hai con thuyền xáp lại gần nhau, mặt người đối mặt người, tả thuyền đối hữu thuyền. Tôi đã nhìn rõ mồn một những khuôn mặt đen đúa của các ngư phủ hiền lành Thái Lan đang bị bức màn vô minh che phủ, đã trở thành những tay cướp biển khét tiếng một thời.

Con tàu khổng lồ, sơn son thếp vàng, bên hông tàu vẽ hình rồng, rắn, chim đà, sừng sững bên cạnh con thuyền Hậu Giang nhỏ bé... Tiếng la hét vang trời của đám hải tặc tóc dài, ngực trần, tay cầm rìu, búa, dao găm, 20 tên cướp lao nhanh xuống biển bơi về phía con thuyền Hậu Giang. Chúng tôi bị bao vây từ tứ phía, đầu đuôi, tả hữu, và từ xa xa đâu đó những chiếc tàu hải tặc đang sắp hàng chờ tới phiên mình. Cảnh tượng 20 năm xưa chợt thoáng qua trong trí nhớ, cảnh tượng của những tài tử thủ vai chính trong cuốn phim "Hồng y hải tặc" đã xem năm xưa, nay được thay thế bằng tài tử Thái Lan trên Vịnh Thái Lan.

8 tên đã leo lên được mạn thuyền, những chiếc búa rìu giơ lên cao như đe dọa, chúng lùa thuyền nhân vào một góc, xé toạc quần áo ra và bắt đầu màn vơ vét... chúng lục lọi khắp hầm và boong tàu, tất cả những chỗ chúng nghi có dấu vàng bạc. Một tên nhảy về phía tôi, đưa tay giựt đứt sợ dây chuyền Mẹ hiền Quán Âm, tôi ra dấu hiệu chỉ vào hình Đức Phật Bà vì tôi biết nước Thái là một nước rất tôn sùng đạo Phật, và tôi được tên Thái trả lại bằng cú nện vào bả vai đau điếng...

Trưa 30 tháng 3:

Cuộc chạm trán lần thứ hai với hải tặc đã làm mọi người trên thuyền thấm mệt, chúng tôi bị lôi lên lôi xuống từ dưới hầm, bị sóng dập gió vùi, bị đói khát... bọn hải tặc lại tấn tuồng khám xét, lục lạo, vơ vét vàng bạc, của cải. Chúng lùa đàn ông qua một bên, phụ nữ con nít một bên...

2 giờ chiều 30 tháng 3: Gặp tàu hải quân Thái Lan

Ánh mắt vui mừng của người mẹ hiền, tay bế con thơ chợt tắt lịm. Tàu hải quân Thái Lan chỉ chấp nhận tiếp tế nhiên liệu, nước uống cho chúng tôi, mặc dầu chúng tôi đã cầu cứu, báo động vì tình trạng nguy hiểm của hải tặc!!!

5 giờ 30 chiều 30 tháng 3: Hải tặc trùng dương

Tiếng la hét đau đớn của người bạn đồng thuyền lẫn với tiếng ván thuyền va chạm vào nhau kêu răng rắc. Tôi cố gắng dìu cô ta đặt xuống boong, chân cô bị sưng đỏ lên,. Tàu hải tặc tiếp tục đâm bổ vào con thuyền Hậu Giang, tôi để cô bạn lại để chạy tới cùng mọi người dùng sào gậy chống đỡ mỗi lần con tàu hải tặc đâm vào hông thuyền. Nếu cứ tiếp tục như vậy, thuyền sẽ bể nát. 8 tên cướp biển lao nhanh qua thuyền chúng tôi, tên thuyền trưởng bắn một phát chỉ thiên, réo gọi mọi người leo lên hầm. Chúng lùa tất cả mọi người qua bên tàu của chúng và bắt đầu lục soát từng người. Những bàn tay thô bỉ, bẩn thỉu cởi từng nút áo phụ nữ, lùa vào bên trong mò mẫm, sục sạo... Một giờ sau chúng đuổi chúng tôi về bên thuyền và giữ lại 3 cô gái, 1 cô sợ hãi nhảy trở về thuyền, chui xuống hầm, úp mặt khóc thin thít...

Con tàu hải tặc đã bỏ đi xa, mang theo 2 cô gái, vàng bạc, mang theo cả cái hải bàn của tôi, nhưng còn để lại cho tôi một hàng chữ đáng nhớ trên tấm hải đồ "You go to Songkla, 250 (degree)", để lại bao nhiêu nỗi khổ, bi ai, chán chường, tuyệt vọng trên khuôn mặt mọi người. Rồi đây không biết bao nhiêu lần nữa sẽ đụng đầu với hải tặc? Lương thực sắp cạn, nhiên liệu sắp cạn, hơi thở sắp cạn!!! mà đất lành đâu chẳng thấy, chỉ thấy một bầu trời xám xịt, biển cả mênh mông với màu nước biển lúc đậm lúc lợt như biển không đáy. Chiều xuống, mặt trời đi ngủ xớm, bóng tối đã phủ nhòa trên biển, con thuyền Hậu Giang mong manh, bé nhỏ, lạc hướng đi. Mọi người trên thuyền không ai nói một lời nào, kẻ nằm, người ngồi, đầu mũi, cuối mũi, la liệt trên boong, tôi nghe trong gió thoảng, tiếng kinh cầu nguyện vang lên. Tôi cũng quỳ xuống, miệng lâm râm:

"We seek for land

During the endless days and the endless nights.

.............

Lord Jesus, do you hear the prayer of our flesh?

Lord Buddha, do you hear our voice?

O, Fellow Humans, do you hear our voice?

From the abyss of the death"

(From "A prayer for land")

Trên kia bầu trời cao rộng, không một gợn mây, đã xuất hiện những vì cứu tinh của con thuyền "Twinkle, Twinkle the Star"...

... Ngôi sao Syrius thuộc chòm Canis Mayor rực sáng trên bầu trời tháng 3, ngôi sao đó bao đêm tôi vẫn chỉ cho các bạn tôi khi còn ở trại học tập cải tạo số 9, đảo Phú Quốc 5 năm 4 tháng 21 ngày, tôi mơ có một ngày trở về lối cũ, lần bước về con đường xưa, nay đã đầy gánh hàng rong trước ngõ. Tôi ôm chầm lấy mẹ tôi, tóc mẹ đã đầy tuyết sương... Cha tôi còn nặng nợ tù... chưa gặp lại cha mà tôi đã phải chia lìa!!! Đêm nay, tôi lại có dịp nhìn thấy ngôi sao đó, chói lọi hơn bao giờ hết. Đêm nay, giữa biển khơi mù mịt, chúng tôi mơ thấy giải đất lành đang chào đón, như đàn con trông đợi mẹ hiền...

"O, solid shore, we long for you

We pray for the mankind to be present today

We pray for the land to stretch its arms to us

We pray that Hope be given us

Today, from this very land."

(From "A prayer for land")

Ánh lửa bập bùng cháy sáng trên mũi thuyền, như một thông điệp cầu cứu của chúng tôi gửi đến giải đất liền. Cuộc hải hành suốt đêm đã dẫn đến một sinh lộ. Con thuyền lầm lũi đâm thẳng vào các hàng đèn trên biển. Sao trời, đèn trần thế đan vào nhau, nhìn từ xa trông như một giải ngân hà. Ngọn lửa mỗi lúc được khơi sáng dậy. Bao cái đầu của thuyền nhân, đứng ngồi lố nhố, như đang trông ngóng, đợi mong...

... Ình... ình... tiếng động của ván thuyền đụng vào vật gì đó, con thuyền nghiêng qua, ngả lại theo nhịp sóng. Rồi bất chợt một hàng đèn phụt sáng lên, lúc đó chúng tôi mới thấy rõ ánh sáng phát ra từ các dãy nhà lầu trên bãi biển, thuyền đã ghé bến mơ...

Tôi không bao giờ quên được cái ngày hôm đó, khoảng 4 giờ sáng ngày 31 tháng 3, khi con thuyền tắp vào bãi biển Songkla, Thái Lan. Cảnh huyên náo diễn ra như ngày đầu. Mọi người đua nhau nhảy xuống thuyền để lội vào bờ. Lúc đó tôi để ý các hàng đèn là nguyên một dãy nhà lầu ẩn hiện sau hàng phi lao. Thì ra đây là khu nghỉ mát của khách du lịch ngoại quốc. Họ phỏng vấn chúng tôi, từ đâu tới? Bao nhiêu người? Họ nhìn con thuyền Hậu Giang nhỏ bé mà khâm phục tấm gương can đảm của người Việt ra đi tìm Tự Do trong sự chết. Tôi cũng không bao giờ cái "giây phút xuất thần" đó, như kẻ sắp chết đuối vớ được cái phao tôi quỳ xuống chắp tay cảm tạ ơn trên đã phù hộ cho chúng tôi đến được bến bờ an toàn. Tôi muốn gào thét lên là chúng tôi đã được Tự Do.

Ôi thôi, cái giây phút tuyệt diệu cảm nhận được hai chữ Tự Do, Tự Do của những con người vươn lên từ đáy vực thẳm, từ gọng cùm, xiềng xích. Khi xưa, trong những giờ Công Dân Giáo Dục ở trường, thầy tôi giảng về hai chữ Tự Do, tôi cũng đã nghe hàng trăm lần bài hát Tự Do, nhưng sao tôi thấy hai chữ đó quá trườu tượng, nhàm chán quá, thì trên bãi biễn Songkla tôi mới hiểu và "cảm" được hai chữ Tự Do!!!

12 giờ trưa hôm đó, một chiếc xe đò tới đón chúng tôi về trại tị nạn Songkla. Mỗi người được trại phát cho một cái túi trắng, với hàng chữ CARE (Cooperative for American Relief Everywhere), cái túi này khởi đầu cho một cuộc đời mới, cuộc đời tị nạn trên đất khách quê người.

Những cánh thư xanh:

Sài Gòn, 25 tháng 9, 1981

Các con thương,

Sau khi Chín thoát rồi, mợ cầu trời Phật cho Chín được tới nơi tới chốn, rồi đến ba tháng sau 2 em tiếp tục ra đi, ruột gan mợ như dầu sôi lửa bỏng, nhớ chúng se sắt cả người. Biết bao giờ gặp lại các con, nhưng mợ đành bấm bụng hy sinh những tình cảm đó để các con có một tương lai tươi sáng hơn, thoát được cảnh bắt bớ, giam cầm, sống cuộc sống tự do nơi đất khách quê người...

California, April 18, 1981

Anh đã nhận thư em đóng dấu ngày 6 tháng 4, 1981, chỉ cần nhìn lá thư ngoại quốc với tên em và nét chữ quen thuộc là anh biết đã có tin vui, mừng hơn nữa là biết có cả Út đi nữa. Dù sao chỉ trong vòng mấy tháng mà đã có được 3 anh em thoát khỏi địa ngục là một điều may mắn vô cùng. Trước kia cứ nhìn hoàn cảnh sum họp, vui vẻ của người ta ở đây và nghĩ đến người thân mình còn bất hạnh ở tại quê nhà, anh buồn vô cùng và cứ trách trời Phật không có mắt... Này thì niềm tin nơi Thượng Đế đã được phục hồi...

Ôi Songkla, một chiều nào vượt thoát bàn tay hải tặc, mảnh áo trắng bết bùn em mang được làm mảnh cờ cầu cứu, tung bay trên nền trời lộng gió. Từ tờ mờ sáng tinh sương, anh và các bạn đồng ngũ chạy bộ dài trên một miles trên bãi biển để đón chờ, cứu giúp những đồng bào lâm nạn biển Đông, gặp lại em hôm nay để nghe kể lại những nhọc nhằn trên biển.

Ôi Songkla, với biết bao tấm lòng từ bi bác ái, tấm lòng vàng của một mục sư người Mỹ, đã xả thân cứu giúp thuyền nhân lâm nạn. Hình ảnh người mục sư tay bồng một em gái nhỏ, hai chân co quắp lại vò đau đớn... Làm sao mà quên được.

"Trân trọng kính chào toàn thể quí vị vừa tới định cứ tại Hoa Kỳ. Hiện quý vị đang ở phi trường Oakland, cách San Fran-cisco vào khoảng 24km, và thuộc tiểu bang California.

Bây giờ là 10 giờ sáng ngày 31 tháng 4 năm 1982. Quí vị sẽ ở đây khoẳng 6 tới 7 tiếng để làm mọi thủ tục trước khi về trại chuyển tiếp Hamilton... Tại trại, chúng tôi có phòng ngủ, phong tắm và một phòng khám bệnh. Quí vị dùng ba bữa một ngày và sẽ được phát áo ấm..."

Tôi chăm chú đọc nốt mảnh giấy trắng, viết bằng hai ngôn ngữ Việt Nam và Trung Hoa mà cô Stewardess vừa phát cho mọi người trên chuyến bay từ Manila tới Cali. Mảnh giấy trắng, kèm theo mảnh giấy màu xanh với hàng chữ "Promissory Note" (Phiếu nợ) của cơ quan thiện nguyện ICM, với một hàng chữ chú thích "số tiền mà quý vị trả sẽ được chuyển vào quỹ để tiếp tục giúp đỡ những người đồng hương khác được đi với giá rẻ sau này".

Thuyền nhân chúng tôi nợ tiền máy bay của cơ quan thiện nguyện ICM, đã được trả xong. Đồng bào chúng tôi nợ nhân dân Hoa Kỳ một món nợ không thể nào quên được. Tấm lòng từ bi bác ái của nhân dân Hoa Kỳ đã cứu giúp đồng bào tôi thoát cơn bỉ cực. Nếu không có các bạn thì giờ này chúng tôi đã sống vất vưởng nới xó xỉnh nào trên thế giới này không chừng đã nằm dưới lòng biển cả bao la.

Kính lạy đấng Mẹ Hiền Quán Âm, đấng đại từ, đại bi, người hãy chứng giám cho lòng tạ ơn đời đời của chúng con... xin chứng giám cho "Lời nguyện dưới sao" của con trên con thuyền bé nhỏ mong manh là "Xin soi đường chỉ lối cho con lèo lái con thuyền đến được bến bờ tự do, con xin quy y". Sóng gió biển Đông năm xưa đã lắng dịu, nhưng trong suốt 21 năm nay, con phải đối đầu với cơn sóng đời và sóng lòng còn vũ bão gấp trăm ngàn lần. Con nay nương tựa Phật rồi, pháp danh là Tuệ Tâm Hào. Con nguyện làm đúng những lời người dạy, sống đời tỉnh thức. Bao đêm, con vẫn hằng đốt nén nhang cảm tạ lên người, và trong cuộc đời vẫn luôn nở một nụ cười mà hát lên lời kinh (Từ Bi Ca): "Con xin chắp tay nguyện cầu cho chúng sinh, nguyện cầu suối Từ Bi muôn đời tuồn chảy, nguyện cầu cây Tình Thương che mát loài người."